Nhiều công ty đã cố gắng cải thiện hành vi môi trường của họ nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng và các bên liên quan. Tuy nhiên, việc thiếu sự rõ ràng và các quy tắc được thiết lập về cách xác minh các yêu cầu xanh đã tạo ra sự mơ hồ, khiến các công ty trục lợi/ hoặc có khả năng bị buộc tội tẩy xanh.
- “Tẩy xanh” là gì?
“Tẩy xanh” được mô tả như các thực hành, hoạt động, tuyên bố tính bền vững không phản ánh rõ ràng và công bằng các vấn đề cơ bản hồ sơ bền vững của một thực thể, một sản phẩm tài chính hoặc dịch vụ tài chính. Thực hành này có thể gây hiểu lầm cho người tiêu dùng, nhà đầu tư hoặc những người tham gia thị trường khác (ESMA, 2023).
2. Các loại “tẩy xanh”:
TerraChoice, một công ty tư vấn môi trường có trụ sở tại Canada, chia “tẩy xanh” thành bảy loại trong báo cáo có tiêu đề “Sins of Greenwashing”, bao gồm:
- Đánh đổi ngầm: Tuyên bố bền vững dựa trên một tập hợp hẹp các thuộc tính mà không chú ý đến các vấn đề môi trường quan trọng khác. Ví dụ, giấy không nhất thiết phải thân thiện với môi trường vì nó được lấy từ một khu rừng được khai thác bền vững. Trong khi đó, các vấn đề môi trường quan trọng khác trong quá trình sản xuất giấy, chẳng hạn như phát thải khí nhà kính hoặc sử dụng clo trong tẩy trắng, có thể cũng quan trọng không kém;
- Không có bằng chứng: Tuyên bố về môi trường không được chứng minh bằng thông tin, dữ liệu dễ tiếp cận hoặc bằng chứng nhận đáng tin cậy của bên thứ ba. Ví dụ phổ biến là khăn giấy lau mặt hoặc sản phẩm giấy vệ sinh tuyên bố tái chế sau tiêu dùng mà không cung cấp bằng chứng rõ ràng;
- Mơ hồ: Gây hiểu lầm cho các bên liên quan thông qua sử dụng các thuật ngữ được định nghĩa mơ hồ hoặc quá rộng. Tuyên bố “tất cả từ thiên nhiên – all natural” là một ví dụ. Chất: Asen, uranium, thủy ngân và formaldehyde đều đến từ thiên nhiên nhưng vô cùng độc hại;
- Nhãn giả: Một sản phẩm, thông qua từ ngữ hoặc hình ảnh, tạo ấn tượng về sự chứng thực của bên thứ ba trong trường hợp không có sự chứng thực đó tồn tại; nói cách khác là nhãn giả;
- Không liên quan: Tuyên bố về môi trường có thể đúng nhưng không quan trọng hoặc không có ích cho người tiêu dùng đang tìm kiếm các sản phẩm thân thiện với môi trường. Không có CFC (CFC-free) là một ví dụ phổ biến vì đây là tuyên bố thường xuyên mặc dù thực tế là chlorofluorcarbons (CFC) đã bị cấm trong gần 30 năm nên không có sản phẩm nào được sản xuất với chất này;
- Đánh lạc hướng: Tuyên bố có thể đúng trong danh mục sản phẩm/ngành nhưng có nguy cơ làm người tiêu dùng mất tập trung khỏi những tác động môi trường lớn hơn của toàn bộ ngành, ví dụ, thuốc lá hữu cơ;
- Bịa đặt: Tuyên bố, sử dụng chứng nhận thân thiện môi trường trong khi thực tế chưa/không đạt được.
3. Tại sao các Doanh nghiệp “Tẩy xanh”:
Tuân thủ các nguyên tắc Bền vững/ESG không chỉ là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với môi trường và xã hội, mà còn là cơ hội để thu hút và làm hài lòng các nguồn lực và các bên liên quan, bao gồm:
- Người tiêu dùng: Theo một nghiên cứu năm 2021, 75% người tiêu dùng thuộc Thế hệ Z (những người sinh từ năm 1997 đến năm 2012) đặt các hoạt động bền vững lên trên thương hiệu trong các quyết định và hành động mua hàng của họ. Tính bền vững hiện đã trở thành yếu tố then chốt trong việc thúc đẩy người tiêu dùng và nó cũng trở thành yếu tố then chốt trong chiến lược tiếp thị cho công ty nhằm mở rộng cơ sở khách hàng của mình.
- Nhân viên: Nhân viên đánh giá thông tin về tính bền vững của tổ chức như một yếu tố quan trọng trong việc xác định sự phát triển nghề nghiệp tiếp theo của họ. Họ cần công ty phải có cam kết và hành động rõ ràng về vấn đề này.
- Các nhà đầu tư: Sự gia tăng đầu tư vào ESG (ESG Investing) đã khiến các tổ chức có xu hướng thể hiện mình là ‘thân thiện với môi trường’ nhằm thu hút các nhà đầu tư có cùng chí hướng. Một nghiên cứu năm 2021 của Hiệp hội Công nghiệp Chỉ số (IIA) cho thấy các chỉ số bền vững đo lường tiêu chí ESG đã tăng 43%. Nghiên cứu của Aviva Investor cho thấy 9/10 nhà đầu tư tổ chức xem xét các yếu tố ESG khi đầu tư vào tài sản thực.
- Các cơ quan quản lý: Các cơ quan quản lý đang áp dụng các quy định mới về công bố thông tin doanh nghiệp, tăng cường mức độ minh bạch xung quanh các hoạt động bền vững của doanh nghiệp. Điều này tạo ra áp lực để doanh nghiệp thực thi và truyền thông các hoạt động bền vững.
Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không phải tất cả các trường hợp bị cáo buộc tẩy xanh đều là chủ ý của Doanh nghiệp. Theo một nghiên cứu năm 2023 do Google Cloud thực hiện, nhiều giám đốc điều hành cấp cao thực sự bày tỏ lo ngại về việc bị buộc tội tẩy xanh mặc dù họ có những mục tiêu và ý định tuân thủ các tiêu chuẩn bền vững. Tuy nhiên, họ thường thiếu kế hoạch hoặc nguồn lực cần thiết để đạt được những mục tiêu này một cách hiệu quả, dẫn đến tình trạng không chắc chắn và vô tình “phạm tội”.
4. Rủi ro của “tẩy xanh”:
- Rủi ro về tổn hại danh tiếng: các cáo buộc về “tẩy xanh” đối với thương hiệu của tổ chức có thể dẫn đến mất niềm tin của người tiêu dùng hoặc khả năng nhà đầu tư thoái vốn. Báo cáo năm 2020 của Shift Insight cho thấy 48% người tham gia khảo sát cho biết họ sẽ hạn chế mua sản phẩm và dịch vụ của các thương hiệu liên quan đến “tẩy xanh”;
- Rủi ro về pháp lý: hoạt động “tẩy xanh” có thể vi phạm các quy định của chính phủ. Ví dụ, Công ty quản lý tài sản DWS của Deutsche Bank đã đồng ý thanh toán $19 triệu cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) vào tháng 9/2023 Khoản tiền phạt này là một phần của thỏa thuận giải quyết các khoản phí mà công ty đã thực hiện trong hoạt động tẩy xanh. Gần đây, vào ngày 17/01/2024, Nghị viện Châu Âu đã thông qua luật mới nhằm hạn chế hoạt động tẩy xanh của các doanh nghiệp. “Chỉ thị về Trao quyền cho Người tiêu dùng trong Chuyển đổi Xanh” sẽ cấm các tuyên bố phóng đại và vô căn cứ liên quan đến các hành động thân thiện với môi trường của công ty, bao gồm cả các tuyên bố trung hòa carbon. Mặc dù các quy định sẽ mất tới hai năm để có hiệu lực ở Liên minh Châu Âu, nhưng việc gia tăng quy định về tẩy xanh sẽ là một cảnh báo thêm cho các công ty, cả ở EU và Hoa Kỳ, về hậu quả của các tuyên bố, tiếp thị tiêu dùng về môi trường và báo cáo ESG/bền vững quá phóng đại ở các nước này.
- Rủi ro kiện tụng dân sự: Bên cạnh nguy cơ bị cơ quan quản lý thực thi hành động pháp lý, kiện tụng dân sự chống lại các tổ chức bị buộc tội tẩy xanh – đặc biệt là rửa xanh liên quan đến khí hậu – ngày càng trở nên phổ biến.
5. Biện pháp phòng ngừa cáo buộc “tẩy xanh”
Mặc dù các chiến lược, biện pháp chính xác mà các tổ chức áp dụng sẽ khác nhau giữa các ngành, sản phẩm và dịch vụ, khu vực hoạt động, các doanh nghiệp có thể muốn xem xét các bước ‘thực hành tốt’ sau đây:
QUẢN TRỊ
- Chính sách và thủ tục: Chính sách nội bộ cần được phát triển thông qua sự hợp tác giữa ban quản lý và bộ phận tuân thủ, cố vấn bên ngoài, rủi ro, tính bền vững và kiểm toán nội bộ. Các chính sách cần cung cấp hướng dẫn rõ ràng về các rủi ro tẩy xanh tiềm ẩn mà tổ chức phải đối mặt và cách giảm thiểu những rủi ro đó. Các chính sách cũng phải đề cập đến cách ban quản lý và các nhân viên có liên quan nên theo dõi và ghi lại thông tin liên quan để đảm bảo rằng có bằng chứng cho thấy chính sách của tổ chức đã được tuân thủ, điều này sẽ rất quan trọng trong trường hợp đưa ra cáo buộc về “tẩy xanh”. Khi phát triển các chính sách như vậy, tổ chức phải tính đến luật pháp hiện tại và có thể có trong tương lai tác động đến cách tổ chức đưa ra các tuyên bố về môi trường xã hội, cũng như các xu hướng kiện tụng liên quan đến rửa xanh và hành động thực thi của các cơ quan quản lý;
- Đào tạo: Các tổ chức nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức về rủi ro rửa xanh cho nhân viên của mình. Việc đào tạo, sử dụng các ví dụ minh họa về hành vi “tốt” và “xấu” sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng quan điểm của tổ chức về “tẩy xanh” được hiểu rõ ràng và minh bạch ở tất cả các cấp trong tổ chức;
- Hiểu thực tiễn thị trường: Luôn cập nhật những tin tức, thay đổi về thực tiễn “tẩy xanh sẽ là chìa khóa để đảm bảo rằng tổ chức có thể tiếp thu ‘bài học kinh nghiệm’ và hiểu những gì cơ quan quản lý và các bên liên quan muốn thấy khi truyền tải thông điệp bền vững từ phía tổ chức.
CÔNG BỐ THÔNG TIN
- Rõ ràng và chính xác: Việc công bố thông tin phải chính xác, rõ ràng và dễ hiểu, tránh sử dụng thuật ngữ. Nếu ‘thuật ngữ rộng’ đang được sử dụng, chẳng hạn như ‘xanh’ hoặc ‘bền vững’, chúng cần được giải thích, dựa trên bằng chứng và có thể kiểm chứng. Hơn nữa, thông tin không nên được “chọn lọc” để chỉ làm nổi bật những thông tin tích cực về môi trường xã hội của sản phẩm và dịch vụ mà bỏ qua những khía cạnh tiêu cực;
- Xác định và giải quyết mọi khác biệt giữa những gì được công bố công khai và những gì được “thực hiện” trong bất kỳ tuyên bố về tính bền vững nào: Sự khác biệt này là cơ sở của một số hành động thực thi pháp lý và do đó cần được giải quyết;
- Tuyên bố từ chối trách nhiệm: Bất cứ khi nào có thể, tổ chức nên sử dụng các tuyên bố từ chối trách nhiệm nhằm giảm thiểu rủi ro tuyên bố bị coi là không chính xác và/hoặc gây hiểu nhầm. Nhiều tuyên bố về môi trường-xã hội sẽ là “tuyên bố hướng tới tương lai” và cần được xử lý bằng ngôn ngữ từ chối và thận trọng giống như bất kỳ dự báo nào khác trong tương lai;
- Đừng phóng đại, hãy giải thích: Cần cẩn thận để đảm bảo rằng tuyên bố về tính bền vững có thể được kiểm chứng và không phóng đại. Nếu có thể, các điều kiện, giả định và tính toán đằng sau tuyên bố về tính bền vững phải được nêu rõ ràng và công khai;
- Xác minh của bên thứ ba: Việc đánh giá các tuyên bố của chuyên gia tư vấn bên thứ ba có thể hữu ích trong việc cung cấp bằng chứng dự phòng và độ tin cậy cho các tuyên bố về môi trường xã hội;
- Đánh giá/kiểm toán pháp lý: Giống như bất kỳ nội dung công bố công khai nào, các tuyên bố về môi trường xã hội cần được cố vấn pháp lý và/hoặc nhóm kiểm toán xem xét.
THẨM ĐỊNH
- Xem xét các tuyên bố về môi trường-xã hội hiện tại: Các tổ chức nên kiểm tra các tuyên bố mà họ hiện đang đưa ra về sản phẩm và/hoặc dịch vụ của mình – ví dụ như được sử dụng trên bao bì sản phẩm, thông tin công khai hoặc chiến dịch quảng cáo – để đảm bảo rằng các tuyên bố đó là chính đáng và dựa trên bằng chứng thực tế.
- Xem xét khả năng đạt được các yêu cầu trong tương lai: Các tổ chức cần xem xét liệu mình có thể thực sự đạt được các cam kết và yêu cầu liên quan đến ESG trong tương lai như dự kiến hay không. Việc đo lường những gì có thể đạt được đòi hỏi phải lập kế hoạch và phân tích kịch bản, cả hai điều này chắc chắn sẽ được củng cố bởi một loạt giả định. Các giả định cần phải dựa trên cơ sở khoa học, xem xét các yếu tố như sự sẵn có của nguồn lực và công nghệ;
- Thẩm định giao dịch: khi thực hiện giao dịch, các tổ chức nên xem xét hồ sơ bền vững của đối tác, công ty mục tiêu, khoản đầu tư mục tiêu, v.v. cũng như hồ sơ bền vững của họ (bao gồm việc tuân thủ các nghĩa vụ thẩm định theo yêu cầu của pháp luật, chẳng hạn như nghĩa vụ thẩm định chuỗi cung ứng . Điều này sẽ bao gồm (nhưng không giới hạn)) việc xem xét tác động của giao dịch đến danh tiếng của tổ chức, giao dịch sẽ phù hợp như thế nào với hồ sơ phát triển bền vững và ngành của tổ chức và liệu giao dịch đó có phù hợp với các chính sách liên quan của tổ chức hay không?
Tổng kết lại, trong bối cảnh tẩy xanh – greenwashing ngày càng trở nên phổ biến và nhận được sự quan tâm từ các chính phủ và cộng đồng quốc tế, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với áp lực lớn để thực sự hành động và chứng minh cam kết của mình với bảo vệ môi trường. Với các biện pháp và quy định pháp lý được đưa ra từ phía chính phủ, các doanh nghiệp không còn có lựa chọn khác ngoài việc tuân thủ và thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về phương thức truyền thông bền vững và báo cáo môi trường. Việc tuân thủ chặt chẽ không chỉ giúp doanh nghiệp tránh được các cáo buộc pháp lý, dân sự, giảm thiểu rủi ro về danh tiếng, tài chính, mà còn thông qua đó thể hiện cam kết của mình trong việc xây dựng một tương lai bền vững cho hành tinh và nhân loại.