CBAM và EUDR: Hàng rào xanh đang siết chặt – Doanh nghiệp Việt không thể chờ đến 2026

Ngôn ngữ

  • Tiếng Việt
  • English
Vinno

Trong vài năm tới, doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản, sẽ phải đối mặt với những rào cản kỹ thuật chưa từng có: CBAM (Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon)EUDR (Quy định chống mất rừng) từ Liên minh châu Âu (EU). Đây không còn là cảnh báo, mà là thực tế đang đến rất gần, buộc doanh nghiệp phải hành động ngay từ bây giờ nếu không muốn bị loại khỏi cuộc chơi.

CBAM – Khi phát thải trở thành thuế

CBAM là công cụ chính sách của EU nhằm chống lại tình trạng "rò rỉ carbon" – hiện tượng doanh nghiệp chuyển hoạt động sản xuất sang các nước có tiêu chuẩn môi trường thấp hơn để né tránh chi phí phát thải. Theo cơ chế này, từ năm 2026, các sản phẩm xuất khẩu vào EU sẽ bị áp thuế carbon nếu không chứng minh được mức độ phát thải rõ ràng và minh bạch.

Tuy CBAM áp dụng đầu tiên cho các ngành như thép, nhôm, xi măng..., nhưng về lâu dài sẽ mở rộng sang các mặt hàng có liên quan đến nông nghiệp và chế biến thực phẩm – những ngành mà Việt Nam có thế mạnh. Đặc biệt, doanh nghiệp đã phải bắt đầu báo cáo lượng phát thải khí nhà kính trực tiếp và gián tiếp.

Điều đáng lo ngại là phần lớn doanh nghiệp Việt, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs), chưa có hệ thống đo đạc khí thải, chưa biết cách tính toán hoặc chưa nhận thức được mức độ nghiêm trọng của quy định này. Khi bị yêu cầu khai báo, nhiều doanh nghiệp có thể rơi vào thế bị động, mất hợp đồng, hoặc gánh thuế phát thải rất lớn – làm mất đi lợi thế cạnh tranh.

EUDR – Truy xuất nguồn gốc: bắt buộc, không còn là lựa chọn

Không chỉ dừng lại ở vấn đề carbon, từ năm 2025, EU sẽ chính thức triển khai EUDR – Quy định mới yêu cầu sản phẩm có nguồn gốc từ rừng (như cà phê, ca cao, hạt điều, hạt mắc ca, cao su, gỗ…) phải đảm bảo không gây mất rừng sau năm 2020, và có hệ thống truy xuất nguồn gốc minh bạch đến từng lô hàng.

Điều đó có nghĩa là:

  • Nếu doanh nghiệp không biết rõ nguyên liệu đến từ đâu, hoặc không thể chứng minh quy trình sản xuất tuân thủ pháp luật về môi trường và đất đai, sản phẩm sẽ không được phép vào EU.

  • Doanh nghiệp phải đảm bảo chuỗi cung ứng hoàn toàn minh bạch, từ nông trại, hợp tác xã, kho sơ chế, đến nhà máy và cảng xuất khẩu.

Trên thực tế, không chỉ EU, mà các thị trường lớn khác như Mỹ, Nhật, Canada, Hàn Quốc… cũng đang hướng đến những tiêu chuẩn tương tự. Sự dịch chuyển này không chỉ mang tính kỹ thuật mà còn là một xu thế thương mại không thể đảo ngược.

Nguy cơ bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu

Số liệu quý I/2025 cho thấy xuất khẩu của Việt Nam sang EU đạt 13,7 tỷ USD, tăng hơn 12% so với cùng kỳ. Đây là thị trường xuất khẩu lớn thứ ba của Việt Nam – giàu tiềm năng nhưng cũng đi đầu về yêu cầu bền vững.

Nếu doanh nghiệp không thể đáp ứng các quy định mới, họ không chỉ mất thị phần tại EU, mà còn bị đối tác toàn cầu đánh giá là rủi ro cao, dẫn đến việc bị loại khỏi chuỗi cung ứng lớn. Trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện đại, một doanh nghiệp không đạt chuẩn có thể khiến cả chuỗi gặp rủi ro, và sẽ bị thay thế.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp châu Âu đã đầu tư công nghệ xanh, hệ thống kiểm toán carbon, truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số… từ rất sớm. Nếu doanh nghiệp Việt không bắt đầu ngay từ hôm nay, khoảng cách sẽ ngày càng bị nới rộng, và nguy cơ tụt hậu là điều chắc chắn.

Hành động ngay – từ đo lường đến chuẩn hóa

Thách thức là có thật, nhưng cơ hội cũng hiện hữu nếu doanh nghiệp chủ động chuyển đổi. Điều quan trọng nhất hiện nay là bắt đầu đo lường phát thải, minh bạch chuỗi cung ứng, và chuẩn hóa quy trình sản xuất theo hướng bền vững.

Một trong những cơ hội hỗ trợ cụ thể dành cho doanh nghiệp là dự án GEVA – Chương trình Ươm tạo và Tăng tốc Xuất khẩu xanh thông qua Tiêu chuẩn Bền vững Tự nguyện (VSS), do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITC) quản lý và KisStartup vận hành.

Dự án sẽ hỗ trợ doanh nghiệp:

  • Tự đánh giá năng lực thông qua bộ công cụ đo lường trực tuyến

  • Tham gia chương trình đào tạo chuyên sâu về xuất khẩu xanh và VSS

  • Được lựa chọn tham gia gói huấn luyện 1:1 kéo dài 6 tháng, thiết kế riêng theo từng doanh nghiệp

Doanh nghiệp quan tâm, vui lòng đăng ký qua: LINK

Nguồn ảnh: Thời báo Tài chính Việt Nam