Tương Lai Chuyển Đổi Xanh Nhìn Từ Nghị Quyết 68-NQ/TW

Ngôn ngữ

  • Tiếng Việt
  • English
Vinno

Ngày 4/5/2025, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, đánh dấu một bước ngoặt trong tư duy và hành động của Đảng và Nhà nước. Nghị quyết này không chỉ khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân mà còn đặt ra yêu cầu chiến lược về chuyển đổi xanh, coi đây là điều kiện sống còn cho sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp tư nhân trong kỷ nguyên mới .

Lần đầu tiên, khái niệm ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị) được chính thức đưa vào nghị quyết của Đảng, định hình chiến lược phát triển cho doanh nghiệp tư nhân. Điều này thể hiện sự cam kết mạnh mẽ của Nhà nước trong việc thúc đẩy phát triển bền vững, giảm phát thải và thực hành trách nhiệm xã hội .

Chuyển đổi xanh từ đây không còn là một lựa chọn mang tính xu hướng mà trở thành yêu cầu bắt buộc để doanh nghiệp tư nhân tồn tại và phát triển trong giai đoạn mới. Việc giảm phát thải, tiết kiệm tài nguyên, tham gia vào kinh tế tuần hoàn hay áp dụng công nghệ sạch được xem là điều kiện tiên quyết để doanh nghiệp được thị trường trong và ngoài nước chấp nhận.

Hai Trụ Cột “Xanh” và “Số” – Động Cơ Phát Triển Mới

Nghị quyết 68 xác định hai trụ cột quan trọng cho tăng trưởng là “xanh” và “số”. Nếu chuyển đổi số là nền tảng để doanh nghiệp tăng tốc, tối ưu hóa hoạt động thì chuyển đổi xanh lại là “la bàn” định hướng giúp doanh nghiệp vững bước trong hành trình hội nhập quốc tế, đặc biệt là khi các thị trường xuất khẩu lớn như EU, Mỹ hay Nhật Bản ngày càng siết chặt tiêu chuẩn xanh. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp Việt Nam xây dựng năng lực cạnh tranh cốt lõi, từng bước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tổng Bí thư Tô Lâm trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân – Đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” nhấn mạnh: Nhà nước thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, gắn chặt với chiến lược phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải và bảo vệ môi trường. Điều này không chỉ dừng lại ở việc đầu tư vào công nghệ xanh, mà còn đòi hỏi doanh nghiệp phải xây dựng văn hóa kinh doanh lành mạnh, minh bạch và có trách nhiệm với người lao động, với cộng đồng. Từ đó, chuyển đổi xanh trở thành một phần trong chiến lược phát triển dài hạn của doanh nghiệp, chứ không phải là “chi phí” hay “gánh nặng” như trước kia vẫn nghĩ.

Xây Dựng Năng Lực Xanh – Từ Ý Thức Đến Hành Động

Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là yêu cầu chiến lược đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Với áp lực thị trường ngày càng lớn, nhưng thể chế ngày càng được hoàn thiện, mang tính kiến tạo, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội bứt phá mạnh mẽ nếu biết chủ động nắm bắt và hành động. Khi “xanh” trở thành năng lực cốt lõi, doanh nghiệp không chỉ sống sót, mà còn có thể vươn mình mạnh mẽ trên thị trường quốc tế rộng lớn .

Doanh nghiệp quan tâm, vui lòng đăng ký tại LINK

------------------- 

Về GEVA: Chương trình "Ươm tạo và Tăng tốc xuất khẩu xanh thông qua Tiêu chuẩn Bền vững Tự nguyện (VSS)" là dự án do Chính phủ Thụy Sĩ tài trợ, Tổ chức Thương mại Quốc tế (ITC) quản lý và KisStartup vận hành trong giai đoạn 4/2025 – 4/2026. 

Dự án hướng tới nâng cao năng lực xuất khẩu xanh (thông qua áp dụng VSS) cho doanh nghiệp Việt Nam thông qua chuỗi hoạt động đào tạo, tư vấn, ươm tạo – tăng tốc và kết nối thị trường quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của thị trường toàn cầu.

—----------------

Nguồn báo: VnEconomy

Link báo:https://vneconomy.vn/tuong-lai-chuyen-doi-xanh-nhin-tu-nghi-quyet-68-nq-tw.htm